Với tiềm lực tài chính khổng lồ, Apple đã không tiếc công sức và tiền bạc để bảo vệ nhãn hiệu trái táo của mình, bất kể có vụ được xem là vi phạm lại không liên quan gì đến trái táo cả.
The New York Times, trích dẫn thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Tech Transparency Project, cho biết từ 2019 – 2021, Apple đã nộp đến 215 đơn kiện phản đối các vụ đăng ký nhãn hiệu nhằm bảo vệ logo trái táo và cái tên Apple. Để so sánh: trong cùng thời kỳ, các đơn tương tự từ Microsoft, Amazon, Facebook và Google cộng lại cũng chỉ là 136 vụ.
Một vụ điển hình của kiểu kiện xuôi ngược tung hoành này của Apple như sau: Stephanie Carlisi – một nhạc sĩ, ca sĩ độc lập – nộp hồ sơ để đăng ký bảo hộ nghệ danh của mình là Franki Pineapple năm 2020.
Apple là trái táo trong khi Pineapple là quả thơm, dù trong tiếng Anh có một phần từ giống nhau nhưng làm sao gây nhầm lẫn được. Nhưng Apple không nghĩ thế. Trong đơn ngăn chặn cô Carlisi đăng ký, Apple lập luận “cả hai là tên trái cây, cho nên chuyển tải một ấn tượng thương mại như nhau”. Chưa hết, Apple còn phản đối logo của cô Carlisi, vẽ một quả lựu đạn cách điệu hình quả thơm nổ tung.
Của đáng tội, cái gì cũng có chút nguyên nhân. Apple đã bị nhiều nơi, nhất là ở các nước đang phát triển nhái logo để lừa người tiêu dùng; tên “trái táo” cũng là một tên xuất hiện nhiều trong thực tế nên Apple phải chống đỡ vất vả nhằm bảo vệ thương hiệu.
Vấn đề là trong cơn say bảo vệ thương hiệu này, Apple nhiều lúc “đánh” cả những nơi không liên quan gì đến sản phẩm công nghệ hoặc chỉ là những cá nhân nhỏ bé. Và còn nhắm đến cả các logo sử dụng hình ảnh các loại trái cây, kể cả cam và lê chứ không riêng gì táo.
Các nơi từng bị Apple kiện có cả một trang blog thức ăn Ấn Độ, Bộ Năng lượng Mỹ, một học khu ở Wisconsin, một nơi làm trò chơi… Và đã đi là đi rất xa: phản đối cả logo quả cam của một doanh nghiệp startup.
Năm ngoái, Apple còn kiện thành công một ứng dụng chuẩn bị bữa ăn tên là Prepear, buộc người làm ứng dụng phải chỉnh sửa logo trái lê (pear) để lá trên cuống không giống hình ảnh trái táo.
Một họa sĩ sáng tạo truyện tranh biếm đặt tên nhân vật là Dr. Apples, một bác sĩ đặt tên phòng khám là Apple Urgent Care, một học khu do có tên là Appleton Area nên vẽ logo là ba quả táo kết nối với nhau… tất cả đều bị Apple kiện và tất cả đều phải rút đăng ký.
Nhận định với The New York Times, Christine Farley, một giáo sư trường luật, nói cách hành xử của Apple chính là kiểu ỷ mạnh hiếp yếu, không cần thiết nếu chỉ nhằm bảo vệ Apple khỏi sự nhầm lẫn của người dùng.
Ngược lại, đại diện của Apple nói mỗi khi họ thấy đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nào “quá rộng” hay có khả năng “gây nhầm lẫn cho khách hàng” thì họ nộp hồ sơ ngăn chặn sau khi thực hiện bước đầu tiên là liên lạc và cố gắng giải quyết cho ổn thỏa.
Điều đáng nói là Apple kiện cả những đơn vị đã đăng ký và đã được Văn phòng Sáng chế và nhãn hiệu cấp quyền bảo hộ. Họ lập luận “nhãn hiệu Apple là quá nổi tiếng và được nhận biết ngay” nên các nhãn hiệu [tương tự] khác sẽ làm yếu đi thương hiệu của Apple hay làm cho “người tiêu dùng bình thường tin rằng chúng có liên quan, là một thành viên hay được bảo chứng bởi Apple”.
Những năm đầu tiên sau khi được thành lập năm 1974, Apple lúc đó có tên Apple Computer lại là bị đơn trong các vụ kiện thương hiệu. Năm 1978, công ty Apple Corps do ban nhạc The Beatles lập ra kiện Apple Computer vì vi phạm nhãn hiệu – hai bên tranh chấp quyền sử dụng từ Apple trong suốt nhiều năm sau đó. Cuối cùng, năm 2007 hai bên thương lượng thành công để Apple Corps nhượng lại cho Apple sử dụng mọi nhãn hiệu liên quan đến chữ Apple.
Mặc dù đa số những nơi bị Apple kiện đều cho rằng nhãn hiệu của họ không vi phạm gì đến Apple nhưng họ không có tiềm lực tài chính để theo đuổi chuyện kiện tụng.
Từ năm 2019 đến 2021, có 31 đơn vị, chiếm 17% trong tổng số các đơn vị mà Apple khiếu kiện, đã rút lại đơn đăng ký nhãn hiệu của họ. Thêm 127 đơn vị, tức 59%, không hồi đáp các lập luận của Apple, tức im lặng chịu thua.
Riêng trrong vụ ca sĩ Carlisi với nghệ danh Franki Pineapple, cô vẫn đưa ra phân xử và Apple phải nhận thua sau khi buộc được cô ghi rõ trong đơn đăng ký rằng Franki Pineapple không phải là tên thật.
Cô ca sĩ thắng nhưng túi tiền hụt mất 10.000 USD chi phí theo đuổi vụ kiện, mà than ôi, trong khi trên Spotify cô mới chỉ có 7 người nghe mỗi tháng.
Nguồn: Báo tuổi trẻ