Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y khoa JAMA cho thấy tiêu thụ caffein khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nghiên cứu mới cho biết các bà mẹ tương lai, nếu uống nhiều thức uống yêu thích này có thể ngăn con bạn phát triển chiều cao, theo chuyên trang y tế Medical News Today.
Tại sao cà phê có thể ảnh hưởng đến chiều cao của em bé?
Có rất nhiều điều từ người mẹ – từ thói quen ngủ nghỉ cho đến cảm xúc, mọi khía cạnh sức khỏe của mẹ – đều có ảnh hưởng đến em bé.
Tiêu thụ caffein khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ |
Đặc biệt, ai cũng biết hút thuốc và uống rượu ảnh hưởng không tốt đến em bé. Nhưng giờ đây, nghiên cứu mới phát hiện hóa ra ngay cả caffein cũng có thể không tốt cho em bé trong bụng mẹ, theo Medical News Today.
Các bác sĩ cho biết uống cà phê có thể ảnh hưởng đến chiều cao của bé, dù chỉ một lượng nhỏ, 50 mg caffein – tương đương với nửa tách cà phê, cũng có thể ảnh hưởng không tốt cho em bé.
Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?
Nghiên cứu mới của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Maryland (Mỹ), đã xem xét lượng caffein tiêu thụ trong thời kỳ mang thai và tác động của nó đối với sự phát triển của trẻ.
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ caffein và paraxanthine – một chất chuyển hóa của caffein – trong máu của mẹ bầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Sau đó, họ xem xét chiều cao của trẻ sinh ra cho đến 8 tuổi.
Kết quả cho thấy tiêu thụ caffein trong thời kỳ mang thai khiến trẻ sinh ra thấp hơn sau này khi lớn lên.
Sự khác biệt là rõ ràng, lên tới khoảng 2 cm chiều cao chênh lệch giữa trẻ có mẹ tiêu thụ caffein và trẻ có mẹ không uống cà phê |
Sự khác biệt là rất rõ ràng, lên tới khoảng 2 cm chiều cao chênh lệch giữa trẻ có mẹ tiêu thụ caffein và trẻ có mẹ không uống cà phê.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Jessica Gleason, giải thích: Ngay cả tiêu thụ ít caffein khi mang thai cũng dẫn đến chiều cao thấp hơn trong thời thơ ấu của trẻ sinh ra. Xem xét nghiên cứu trước đây, tôi hơi ngạc nhiên khi chúng tôi không tìm thấy mối liên quan nào giữa tiêu thụ caffein trong thời kỳ mang thai và cân nặng của trẻ nhưng lại tìm thấy mối liên quan nhất quán giữa caffein và chiều cao của trẻ thậm chí cho đến khi 8 tuổi.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xác định liệu sự khác biệt về chiều cao có tồn tại sau thời thơ ấu hay không.
Tiến sĩ Gleason lưu ý rằng cần phải nghiên cứu sâu hơn để xem xét theo dõi lâu dài. Điều quan trọng là phải tìm hiểu xem liệu ảnh hưởng này có kéo dài đến sau thời thơ ấu hay không; lý tưởng nhất là theo dõi trẻ ở độ tuổi 20 sau khi quá trình tăng trưởng đã ổn định, theo Medical News Today.
Nguồn: thanhnien.vn