Các xu hướng trong đại dịch giờ ra sao?

Như bao dự báo mỗi khi một sự kiện khủng hoảng xảy ra trên toàn cầu, những “lời tiên tri” về thế giới hậu đại dịch COVID-19 dường như cũng đang đi đến một kết quả thường thấy: không đúng hoàn toàn. Người dân nhiều nước bắt đầu trở lại cách sống cũ trước đại dịch, trong khi các thói quen vốn thịnh hành trong 2 năm qua và được dự đoán sẽ tồn tại rất lâu sau khi dịch bệnh qua đi – như rửa tay, tập thể dục tại gia, hay mua sắm trực tuyến – đang phai nhạt dần, dù không mất hẳn.

Đầu năm 2020, không ít doanh nghiệp tin rằng đại dịch COVID-19 sẽ làm thay đổi mọi thói quen của người tiêu dùng. Trên thực tế, các thói quen quả thật bị thay đổi, nhưng không kéo dài lâu như dự đoán – tác giả Rachel Wolfe nhận định trong bài viết “Người Mỹ trở lại thói quen mua sắm, du lịch và thể dục thể thao như thể giờ là năm 2019” trên báo The Wall Street Journal.Dịch vụ trực tiếp lấy lại vị thế

Selin Malkoc, giáo sư chuyên ngành tiếp thị tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết tháng 3-2022 đã đánh dấu sự thay đổi rõ rệt trong lối sống và thói quen mua sắm của người Mỹ, mà tác động chính đến từ việc tin tức về dịch bệnh COVID-19 thưa thớt hẳn, cũng như quyết định bỏ quy định đeo khẩu trang ở nhiều nơi, gồm cả trường học.

Live Nation, hãng giải trí sở hữu trang bán vé Ticketmaster, cho biết tính đến tháng 2-2022, doanh thu vé tham dự lễ hội âm nhạc ở Mỹ tăng đến 45% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch nổ ra, và công ty cũng đã lên kế hoạch tổ chức số lượng sự kiện âm nhạc trong năm 2022 cao hơn hơn 30% so với năm 2019.

Hồi tháng 1, lượng thành viên ở chuỗi phòng gym Planet Fitness đã vượt mức trước đại dịch. Kể từ tháng 1, lượng khách ghé đến các chuỗi phòng tập thể dục và yoga như Pure Barre và CorePower Yoga đã tăng gần gấp đôi.

Những người tiêu dùng khác cũng đã trở lại thói quen bình thường trong vài tháng hoặc thậm chí một năm trước đây. Phần mới nhất của series phim Người Nhện đã kiếm được hơn 800 triệu USD tại các rạp phim trong nước kể từ khi phát hành vào tháng 12-2021. Lượng khán giả tham dự các trận đấu bóng đá ở trường đại học đã phục hồi nhanh chóng kể từ mùa thu năm ngoái. Các bang Ohio, Michigan, Texas, Nam Carolina và Massachusetts đều bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở các trường học vào cuối năm ngoái.

Các hãng máy bay, nhà hàng và cơ sở trông giữ trẻ, vốn dựa vào các khoản vay cứu trợ từ Chính phủ Mỹ để trụ lại trong thời kỳ cao trào của đại dịch COVID-19, giờ lại lâm vào tình trạng quá tải, không đáp ứng kịp nhu cầu. Theo Cục An ninh vận tải Mỹ, trong giai đoạn từ ngày 17 đến 23-4, trung bình có hơn 2 triệu người Mỹ đi máy bay mỗi ngày, xấp xỉ con số trung bình 2,4 triệu người mỗi ngày trong năm 2019.

Phổ biến nhất không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước khác có lẽ là sự phục hồi của thói quen mua sắm. Công ty kinh doanh bách hóa TJX của Mỹ từng phải đối mặt với khó khăn tài chính, buộc phải tạm dừng chia cổ tức và chứng kiến giá cổ phiếu của họ lao dốc theo từng làn sóng đỉnh dịch. Thế mà, trong quý gần nhất, TJX Cos ghi nhận doanh thu tăng 27% và lợi nhuận tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó. Đó là do người dân Mỹ đang dần trở lại với thói quen mua sắm trực tiếp, thay vì mua online và sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi như thời dịch bệnh bùng phát.

Ở Anh, Ken Murphy – giám đốc điều hành của gã bán lẻ khổng lồ Tesco – nói với tờ FT rằng đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy một bộ phận người tiêu dùng đang quay trở lại thói quen cũ: thường xuyên đến siêu thị, du lịch và ăn uống bên ngoài nhiều hơn.

Một đại diện của siêu thị trực tuyến Ocado cho biết hồi tháng 3 rằng giá trị giỏ hàng trung bình trong quý đầu tiên của nền tảng này đã giảm 15% so với năm ngoái, xuống còn 124 bảng Anh, do khách hàng đi mua sắm trực tiếp nhiều hơn và ăn ở nhà ít hơn. Tại Tesco và đối thủ Sainsbury, các đơn đặt hàng trực tuyến cũng giảm so với mức đỉnh khoảng 20% doanh số bán hàng, xuống chỉ còn khoảng 14-16%

 
 Đám đông khán giả tại Lễ hội âm nhạc Coachella ở Indio (California, Mỹ) ngày 22-4-2022. Ảnh: REUTERS

Ra đi và còn mãi

Khi người ta quay lại với thói quen, lối sống cũ, những thứ vụt sáng trong đại dịch sẽ đến lúc lụi tắt. Từng hi vọng được hưởng lợi dài hạn từ việc một bộ phận người tiêu dùng sẽ thay đổi thói quen mãi mãi do tác động của đại dịch, các công ty như hãng thiết bị tập thể dục kết nối Internet Peloton, nền tảng phát phim ảnh và truyền hình trực tuyến Netflix và hãng giao thực phẩm Instacart giờ đây phải tiến hành những thay đổi mà trước đây họ không hề nghĩ đến, theo Wall Street Journal.

Trong quý vừa qua, do chứng kiến số thuê bao lần đầu tiên suy giảm trong vòng một thập niên, Netflix đang xem xét tung ra dịch vụ mới có kèm quảng cáo với phí thuê bao thấp hơn. Đang chịu thua lỗ và hàng tồn kho quá lớn, Peloton phải hạ giá bán xe đạp tập thể dục tại chỗ. Barry McCarthy, giám đốc điều hành Peloton, cho biết câu hỏi lớn nhất mà công ty đang đối mặt là xác định bao nhiêu người muốn rèn luyện sức khỏe tại nhà ở thời kỳ hậu COVID-19.

Các cửa hàng tiện lợi đã làm ăn không ngơi nghỉ trong thời kỳ đại dịch khi mọi người không muốn di chuyển xa nơi. Nhưng sự thịnh vượng này chỉ mang tính nhất thời, ít nhất là ở Anh, theo FT. Chris Whitfield, giám đốc điều hành Co-op, thừa nhận rằng thị phần của công ty dẫn đầu thị trường cửa hàng tiện lợi này ở Anh đã trở lại mức trước đại dịch. Hoạt động bán hàng tiện lợi ở các con phố thương mại và trung tâm các thành phố của Sainsbury cũng gặp tình hình tương tự.

Tuy nhiên, tác giả Rachel Wolfe của Wall Street Journal tin rằng một số thay đổi do đại dịch tạo ra sẽ còn kéo dài. Một ví dụ điển hình là thói quen giữ gìn vệ sinh hiện vẫn duy trì, dù đã giảm xuống mức bình thường. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường IRI, doanh số gel rửa tay khử khuẩn ở Mỹ đã giảm hơn 50% so với cách đây một năm. Nhu cầu mua thuốc tẩy và chất tẩy rửa bề mặt cũng giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch, theo Linda Rendle – giám đốc điều hành của Công ty Clorox.

Trong một bài viết hồi tháng 3, tạp chí Forbes tiếp tục dự báo rằng chúng ta vẫn sẽ bắt gặp những chai nước xịt khuẩn tay ở nơi công cộng, đặc biệt là những địa điểm sang trọng, tiếp xúc nhiều, có lưu lượng người qua lại cao như cửa hàng bán lẻ và hành lang khách sạn. Forbes cho rằng có khả năng việc sử dụng nước rửa tay sẽ trở thành một phần thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người. Các thương hiệu đã và đang điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thế giới sau đại dịch bằng các cách như thêm vào công dụng chăm sóc da, hương thơm, và tính bền vững.

Bên cạnh nước rửa tay, hội họp và làm việc từ xa vẫn là một lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh mẽ. Các ngành dịch vụ trỗi dậy trong đại dịch như giao hàng tạp hóa vẫn ở mức cao, dù đã giảm so với đỉnh dịch.

FT dẫn số liệu của Công ty tư vấn Remit cho thấy rằng ở Anh, không gian văn phòng làm việc hiện chỉ đang hoạt động với 25% công suất trước đại dịch, trong khi Cục Vận tải London ước tính mức sử dụng tàu điện ngầm ở khu tài chính của thủ đô này chỉ bằng khoảng một nửa thời trước khi có COVID. Chính sự tiếp tục của xu hướng làm việc ở nhà cũng kéo theo việc duy trì nhu cầu sử dụng dịch vụ giao hàng, theo Tim Steiner – giám đốc điều hành của Ocado.

Ngoài ra, một trong những xu hướng tiêu cực phát sinh trong thời kỳ phong tỏa và vẫn tồn tại đến giờ, đó là tiêu thụ nhiều rượu, bia tại nhà. Theo Công ty tư vấn Kantar, doanh số bán rượu vẫn cao hơn 17% so với mức trước đại dịch.

Nguồn: Báo tuổi trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *