Bùng nổ thú chơi cắm trại

Buộc chiếc lều, bộ bàn ghế gấp, đồ ăn lên xe máy, Quyết chạy 70 km lên Phú Thọ thực hiện chuyến cắm trại thứ 7 kể từ khi Hà Nội hết giãn cách.

Đi cùng Quyết vẫn là hai người bạn đã cùng anh “bung trại” ở những điểm quanh Hà Nội như bãi bồi chân cầu Vĩnh Tuy, núi Hàm Lợn, núi Trầm… “Những chuyến camping (cắm trại) giúp tôi giải tỏa căng thẳng và thỏa đam mê dịch chuyển sau hai năm bó chân vì dịch”, Nguyễn Quyết, ở quận Thanh Xuân, nói.

Điểm cắm trại lần này của nhóm là một bãi bồi Sông Đà, Phú Thọ, nơi đủ rộng để dựng lều, nướng đồ ăn và câu cá. Quyết bỏ qua những địa điểm quen thuộc vì từ khi phong trào cắm trại bùng nổ, ở đó đã trở nên đông đúc, chật chội. “Ngoài sợ dịch, tôi vẫn ưu tiên chỗ vắng vẻ, hoang sơ”, anh nói.

Từng đến nhiều nơi, trải nghiệm các tour du lịch sang trọng, đẳng cấp quốc tế, nhưng Quyết lại có niềm đam mê với camping – thứ mà anh nói “giúp con người được trở về với thiên nhiên, tránh xa chốn thành thị đầy khói bụi”.

Để phục vụ thú chơi này, anh đầu tư một số đồ chuyên dụng gồm lều di động, bàn ghế gấp, tấm bạt ngồi, bộ chén đĩa, bếp, nồi, ấm đun nước… Giá mỗi món từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, nhu cầu dùng đến đâu mua đến đó.

“Tôi muốn được đi vì sợ cảm giác gò bó trong bốn bức tường và tiếp nhận những thông tin tiêu cực về dịch bệnh như hai năm qua”, Nguyễn Quyết bộc bạch.

Quyết Nguyễn trong chuyến cắm trại với bạn bè tại Phú Thọ tháng 1/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quyết Nguyễn trong chuyến cắm trại với bạn bè tại Phú Thọ tháng 1/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hai năm dịch bệnh khiến hầu hết mọi người phải dừng những chuyến đi, kể cả những tín đồ của “chủ nghĩa xê dịch” cũng phải thay đổi kế hoạch. Từ đầu tháng 10/2021, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều người lựa chọn hình thức cắm trại gần nơi ở. Số người mua lều trại và phụ kiện đi kèm cho các chuyến camping tăng mạnh.

“Tôi chưa từng chứng kiến sự bùng nổ khủng khiếp về số người đi cắm trại như năm qua. Doanh số bán đồ dùng camping gấp 7 lần, nhiều sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng”, anh Dương Khắc Thắng, 32 tuổi, quản lý một cửa hàng chuyên cung cấp đồ thể thao, dã ngoại thành lập năm 1976, tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.

Lều trại là mặt hàng đắt khách nhất, cửa hàng của anh Thắng đã bán gần 17.000 chiếc trong năm 2021, kế đến bàn ghế dã ngoại và phụ kiện đi kèm. “Ngay trong thời gian giãn cách, số người mua online vẫn tăng. Nhiều khách chọn cắm trại tại gia nhằm giải tỏa căng thẳng, số khác chuẩn bị cho các chuyến đi sắp tới”, anh cho biết.

Cũng theo chia sẻ của người quản lý cửa hàng, khách mua chủ yếu là hộ gia đình, trong độ tuổi từ 25 đến 40. Căn cứ vào nhu cầu, có thể chia thành ba nhóm: người mới chơi camping chiếm 60%; chơi nghiệp dư 30%; và 10% chơi cao cấp. Nhưng theo thời gian khi loại hình này dần phổ biến, người chơi mới sẽ ít đi, thay vào đó là người chơi chuyên nghiệp và cao cấp tăng lên.

Hai năm dịch bệnh cũng đánh dấu mức độ quan tâm tăng vọt của người Việt với loại hình cắm trại tại các hội nhóm trên mạng xã hội. Ví dụ, nhóm “Rủ nhau cắm trại” từ khi mới thành lập đến tháng 3/2020 có khoảng 10.000 thành viên, đến tháng 4/2021 lên đến 100.000 và hiện tại có gần 152.000 người tham gia, mỗi tuần có gần 300 tài khoản đăng ký mới. Hay nhóm”Camping Việt Nam” với gần 198.000 thành viên, mỗi ngày có khoảng 10 bài đăng về cắm trại.

“Số lượng thành viên tham gia các hội nhóm ngày càng nhiều, sức tương tác lớn cho thấy mức độ quan tâm của người Việt với loại hình này rất cao”, anh Thắng, người tham gia đời đầu tại các hội nhóm chia sẻ.

Phong trào này không chỉ bùng nổ ở Việt Nam. Tại Mỹ, các dịch vụ đặt chỗ cắm trại và du lịch gần nhà, báo cáo hoạt động kinh doanh tăng đột biến trong năm 2020, tăng trưởng hơn 400% so với năm trước đó. Anand Subramanian, giám đốc điều hành của nền tảng đặt chỗ Tentrr, thống kê có hơn 800 khu cắm trại đang hoạt động ở Mỹ, mức tăng trưởng quý 1/2020 lên đến 900%, so với năm 2019.

Nhóm anh Thắng đi camping kết hợp với thông điệp bảo vệ môi trường ở Hàm Lợn tháng 12/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhóm anh Thắng đi camping kết hợp với thông điệp bảo vệ môi trường ở Hàm Lợn, Sóc Sơn hồi tháng 12/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chưa đủ tài chính để sắm đồ, Mai Hương, 21 tuổi ở quận Cầu Giấy chọn hình thức thuê với mức giá 240.000 đồng một ngày cho nhóm bốn người. “Mỗi người chỉ phải trả 60.000 đồng cho một ngày cắm trại, khá phù hợp với sinh viên”, cô gái nói về chuyến đi đầu tháng 2.

Chọn cắm trại ở dưới chân cầu Vĩnh Tuy cho vắng, Mai Hương không ngờ khi đến đã có 10 chiếc lều khác dựng dọc bờ sông. Ngoài lều trại và bếp nướng, mọi người mang theo cả bàn ghế, loa đài, cần câu cá và thuyền kayka để giải trí.

So với họ, chiếc lều nhỏ cùng bếp nướng của nhóm sinh viên không là gì. “Nhưng chúng tôi vẫn vui. Khi có điều kiện hơn, nhóm tôi sẽ nâng cấp thêm các tiện nghi khác, thậm chí là mua mới thay vì thuê”, Hương cười và cho biết sẽ thực hiện thêm các chuyến cắm trại ngắn ngày để giải tỏa căng thẳng.

“Sau giãn cách, nhu cầu thuê lều trại của người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận tăng mạnh. So với hai năm trước dịch, con số này cao gấp ba lần”, anh Đỗ Thế Tiến, 30 tuổi, chủ một đơn vị cho thuê đồ cắm trại có tiếng trên phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy chia sẻ.

Theo anh Tiến, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 và sau giãn cách là lúc đắt khách nhất bởi người dân được “sổ lồng”. Riêng các ngày cuối tuần trong năm 2021, có từ 200 đến 300 khách đến thuê lều trại, 90% là thuê ngắn ngày. Giá thuê từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng một người, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng đồ nhiều hay ít, nhưng cơ bản gồm lều, bàn ghế, nồi nấu ăn và bếp.

“Mức giá cho cho thuê rẻ hơn 20 lần so với mua mới. Nhưng theo thời gian số khách thuê sẽ giảm, thay vào đó là xu hướng tự trang bị đồ cá nhân trở nên thịnh hành”, anh Tiến cho biết.

Khách ngồi uống cà phê trước lều trại trong khuôn viên quán cà phê tháng 12/2021. Ảnh: Huỳnh Nhi

Khách ngồi uống cà phê trước lều trại trong khuôn viên quán cà phê tại TP Thủ Đức hồi tháng 12/2021. Ảnh: Huỳnh Nhi

Không dám mạnh tay chi tiền mua đồ và sợ dịch, Huỳnh Ân, 28 tuổi, ở quận 3, TP HCM lại tìm đến một quán cà phê cắm trại ở TP Thủ Đức vào ngày cuối tuần. “Tôi khá thích nơi đây vì ngay trong thành phố, lại có không gian riêng biệt. Còn để thực hiện các chuyến du lịch xa, tôi chưa sẵn sàng khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày tại TP HCM và nhiều tỉnh thành vẫn tăng”, cô gái bày tỏ.

Lo lắng của Ân không phải là cá biệt. Theo kết quả cuộc thăm dò về “Chuyến du lịch sắp tới” thực hiện trên VnExpress đầu tháng 12/2021, gần 70% trong tổng số hơn 10.000 người được hỏi vẫn chưa sẵn sàng cho các chuyến du lịch đầu năm 2022. Họ cho biết sẽ đi chơi vào dịp muộn hơn, có thể là mùa hè. Đặc biệt, hơn 80% người tham gia khảo sát cho biết trở ngại cho các chuyến đi hiện tại là lo ngại bùng phát dịch bệnh, bị cách ly khi đến điểm du lịch hoặc trở về nhà.

Quán cà phê Ân chọn rộng chừng 700 m2 ở tầng thượng, thích hợp cho người trẻ và hộ gia đình bởi không gian mở, tận dụng ánh sáng tự nhiên và nhiều cây xanh. Khách đến quán có thể làm quen với mô hình lều trại, bộ bàn ghế, dụng cụ nấu nướng và pha chế cà phê. Mỗi ngày có khoảng 200 lượt khách đến quán, thứ 7 và chủ nhật đông nhất.

“Nhiều tháng ở nhà và không được kết nối xã hội khiến tôi như biến thành một con người khác, dễ cáu gắt và nổi nóng. Việc tìm đến nơi có không gian yên tĩnh để trò chuyện với bạn bè, hòa mình với cây cối khiến bản thân thấy dễ chịu hơn”, Ân cười và cho biết sẽ quay lại quán.

Còn với Quyết, anh nói sẽ thực hiện thêm nhiều chuyến camping ở gần Hà Nội để thoả mãn đam mê. “Nhiều người nói camping như một trào lưu, đến thời điểm nhất định sẽ thoái trào, nhưng với tôi đó là đam mê. Mà đã đam mê thì chỉ thích hơn chứ không thể từ bỏ”, anh cười.

Nguồn: Vnexpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *